Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Viêm loét miệng lưỡi - dấu hiệu của nhiều bệnh

PNCN - Những vết loét trong miệng, lưỡi không chỉ gây khó khăn trong việc ăn uống, gây đau nhức, khó chịu mà còn là dấu hiệu của một số bệnh tự miễn, bệnh ác tính khác, BS Nguyễn Trọng Hào, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết.
     Một triệu chứng, nhiều nguyên nhân
    Chứng viêm loét miệng lưỡi có đặc điểm chung là vết loét có màu đỏ xung quanh, trung tâm có mảng mục màu vàng, gây đau nhiều trong khoảng hai-ba ngày và giảm dần khi bắt đầu lành. Biểu hiện tại chỗ thường là các triệu chứng viêm nhiễm, sưng nóng, đỏ đau, lở loét rất khó chịu, nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm. Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng-lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chứng bệnh này có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở phụ nữ và trẻ nhỏ hơn.
    Tình trạng viêm loét miệng lưỡi là biểu hiện của việc bị nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn; cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm virus herpes; là bệnh loét Aphthous; ổ vi trùng trong chiếc răng sâu, chứng viêm quanh răng, viêm tủy răng cũng có thể gây nhiễm trùng vùng mô niêm mạc miệng tạo ra những vết loét; thiếu vitamin C, PP, B6, B12, thiếu sắt cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể gây lở miệng. Nguy hiểm hơn, loét miệng còn là triệu chứng ban đầu của một số bệnh tự miễn như bệnh bóng nước, hay với một số ít trường hợp là dấu hiệu nhận biết sớm của ung thư vòm họng, ung thư lưỡi.
    Nếu nguyên nhân là do nhiễm nấm thì kèm thêm dấu hiệu là những bợn trắng trong miệng lưỡi. Trường hợp bị nhiễm trùng thì diễn biến bệnh thường cấp tính với triệu chứng nóng sốt. Nếu do herpes thì thường bị tái đi tái lại theo chu kỳ, đặc biệt, khi người bệnh gặp phải những chấn thương về thể chất, thức khuya, căng thẳng, sức đề kháng giảm…

    Phòng ngừa và điều trị sớm
    Theo BS Nguyễn Trọng Hào, lở miệng lưỡi do nấm, vi khuẩn, thiếu vi chất hay sâu răng là những nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Điều cần thiết là phải vệ sinh răng miệng tốt, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để tránh việc thiếu các vitamin.
    Khi đã mắc phải, tình trạng viêm loét cũng có thể tự lành dù không điều trị, song sau đó cũng dễ tái phát. Để vết loét nhanh lành, nên hạn chế hút thuốc, uống rượu hoặc dùng thực phẩm quá cay, mặn, nóng…
    Nếu bị nhiễm nấm, vi khuẩn thì điều trị bằng kháng sinh, kháng nấm trong khoảng một-hai tuần, bệnh có thể sẽ dứt hẳn, không tái phát.
    Nếu nguyên nhân là do virus herpes, cần đi khám để được điều trị sớm bằng thuốc kháng virus ngay trong một-hai ngày đầu bị lở thì mới có hiệu quả. Nếu điều trị muộn, vết loét sẽ tái phát với tần suất cao hơn và khó kiểm soát.
    Loét do ổ vi trùng từ răng sâu phải điều trị triệt để chứng sâu răng bệnh mới không bị tái phát.
    BS Nguyễn Trọng Hào cảnh báo: Những trường hợp vết loét do bệnh bóng nước tự miễn cần lưu ý một dấu hiệu để nhận diện bệnh khi mới hình thành, nó vốn là những bóng nước và bị vỡ rất nhanh. Những bóng nước sau đó sẽ lan toàn thân, gây lở loét, đau nhức. Bệnh này cần được điều trị đặc hiệu với các loại thuốc ức chế miễn dịch. Bóng nước tự miễn là bệnh đến nay vẫn chưa thể trị dứt. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bóng nước sẽ không bị lan ra toàn thân.
    Với bệnh lý ác tính như ung thư vòm họng, ung thư lưỡi, loét là triệu chứng ban đầu thể hiện bệnh đang ở giai đoạn sớm. Vì vậy, nếu đi khám sớm để có thể phát hiện từ giai đoạn này thì việc điều trị sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, đồng thời tỷ lệ điều trị bảo tồn gần như là 100%.
    An Hà

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét